Đại diện Cục Việc làm, doanh nghiệp bàn cách gỡ khó cho thực trạng vừa thừa, vừa thiếu nhân lực trong sản xuất, ở tọa đàm ngày 3/8 trên VnExpress.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, lực lượng lao động cả nước không ngừng gia tăng suốt một thập kỷ qua, từ 50,4 triệu người năm 2010 lên 56,2 triệu người năm 2020. Tuy nhiên, báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy lao động không chính thức và phổ thông vẫn chiếm chủ yếu. Lực lượng đã qua đào tạo, có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, khoảng 24,5% năm 2020. Trong khi nhân sự đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Kỹ năng của lao động Việt Nam cũng bị đánh giá còn nhiều hạn chế, với 46/100 điểm (xếp thứ 103 trên thế giới), chỉ cao hơn Indonesia, Lào và kém rất xa so với nhóm ASEAN-4.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam từ năm 2018 tới nay, nguồn nhân lực luôn là chủ đề nóng được các cấp, ban ngành quan tâm. Doanh nghiệp nào cũng mong có sự phục vụ của các nhóm lao động chất lượng, quản lý cấp cao và trình độ chuyên môn sâu. Tuy nhiên, không ít đơn vị than “đau đầu” vì thiếu nhân sự cấp cao và liên tục đề xuất giải pháp cải thiện tình trạng này.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Viện Quản trị Tinh gọn GKM, Việt Nam hiện thiếu nhân lực “làm được việc” ở lĩnh vực nghiên cứu phát triển sản phẩm (R&D), cải tiến công nghệ, sáng tạo sản phẩm, dich vụ mới có giá trị… Trong khi đó lại thừa nhân lực thụ động “nói gì làm đấy, không bảo không làm”, chưa chủ động và tư duy, tâm thế làm thật.
Ngoài ra, cạnh tranh quốc tế bằng lao động phổ thông, giá nhân công rẻ… gặp nhiều bất cập, không mang lại hiệu quả và khiến Việt Nam trở nên yếu thế… Sự bất lợi này càng hiện rõ trong bối cảnh Covid-19 hoành hành, xu hướng tự động hóa, chuyển đổi số lên ngôi, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư lẫn quá trình hội nhập toàn cầu…
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam ký kết hàng loạt hiệp định thương mại quan trọng, tạo đà cho doanh nghiệp trong nước “vươn ra biển lớn”. Họ cần phải tận dụng cơ hội góp mặt trong những công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn, cụ thể là hướng tới sản xuất công nghiệp phụ trợ, nghiên cứu phát triển… chứ không đơn thuần chỉ gia công lắp ráp như dệt may, giầy dép hay điện tử như hiện nay… Một trong những điều kiện tiên với doanh nghiệp Việt là phải có đội ngũ lao động chất lượng cao, trình độ chuyên môn sâu, kỹ thuật tốt.
Các chuyên gia cũng cho rằng muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp phải đào tạo được nguồn lao động có tâm thế tốt, năng lực quản trị và chuyên môn cao. Điều kiện tiên quyết giúp đơn vị sản xuất chuyển đổi số thành công là tích hợp cùng lúc ba yếu tố: chuyển đổi giáo dục đào tạo, công nghệ quản trị, công nghệ kỹ thuật…
Nhằm phân tích sâu những vấn đề khiến nhiều doanh nhiệp trăn trở, VnExpress tổ chức tọa đàm kinh tế với chủ đề “Giải pháp cho nguồn nhân lực vừa thừa, vừa thiếu trong ngành sản xuất”, phát sóng lúc 14h ngày 3/8. Các chuyên gia sẽ chỉ ra khó khăn, bất cập của chuỗi sản xuất; bài toán thiếu hụt nhân sự cấp cao và giải pháp đột phá để có thể tranh thủ thời cơ dân số vàng…
Vấn đề lương và chế độ đãi ngộ chưa phù hợp liệu có phải là một trong những lý do khiến người lao động có trình độ không gắn bó với doanh nghiệp hoặc đơn vị sản xuất không tìm được nguồn nhân lực chất lượng cao? Vai trò của Chính phủ và các Bộ ngành liên quan ra sao trong giải pháp đó, bản thân các doanh nghiệp cần phải làm gì?… cũng sẽ được đề cập trong hơn một tiếng sự kiện.
Tham gia tọa đàm có ông Tào Bằng Huy – Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương Binh & Xã Hội; Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh – Chủ tịch Hội đồng tư vấn Viện Quản trị Tinh gọn GKM (Công ty GKM Việt Nam), nhà khoa học, giảng viên Đại học Kinh tế (ĐHQG Hà Nội).
Ngoài ra, chương trình còn có sự góp mặt của bà Đỗ Thị Thúy Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam; Ủy viên HĐQT Tổng Công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (UpCOM). Dẫn dắt tọa đàm là nhà báo Tuyết Anh từ VnExpress.
“Giải pháp cho nguồn nhân lực vừa thừa, vừa thiếu trong ngành sản xuất” thuộc chuỗi tọa đàm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – ViEF 2021, do VnExpress và Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp tổ chức. Nội dung thảo luận xuyên suốt ViEF 2021 là “giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế Việt Nam và một số ngành, lĩnh vực trọng tâm giai đoạn 2021-2025, định hướng tới 2030”.
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ và có sự tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, Diễn đàn là lời hiệu triệu, tập hợp của cả hai khu vực công – tư để phát triển nền kinh tế có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư vượt khó do dịch bệnh, tạo sức bật trong giai đoạn mới…
Thi Quân
Trích nguồn Vnexpress.net (https://vnexpress.net/toa-dam-giai-phap-cho-nguon-nhan-luc-vua-thua-vua-thieu-trong-san-xuat-4332039.html)