Hoạt động Quản trị doanh nghiệp và Hoạt động Quản trị công các cấp tuy khác nhau về chức năng nhưng cần chung tư duy quản trị (gene quản trị) để năng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững kinh tế đất nước.
PGS. TS. Nguyễn Đăng Minh
Ngày 27/11/2019, tại Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì cùng Bban Lãnh đạo các sở ban ngành của Tỉnh đã tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư cho các doanh nghiệp tại châu Âu và Hoa Kỳ. Ngoài việc giới thiệu về các điểm mạnh, các lợi thế cạnh tranh và cơ hội đầu tư của Tỉnh, đại diện tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã đón nghe các ý kiến từ hơn 100 doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, Châu Âu với mong muốn có thể tìm ra hướng đi mới tốt hơn nữa trong nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, cùng với ông Thomas G. Giglione, thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh, Chủ tịch Viện Quản trị Tinh gọn GKM cũng đã có những chia sẻ, đóng góp dưới góc nhìn của một chuyên gia tư vấn nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hướng tới đẩy mạnh năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và Việt Nam nói chung.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam mở cửa, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài nói chung và Châu Âu, Hoa Kỳ nói riêng mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu của Viện Quản trị Tinh gọn GKM, những ưu đãi về chính sách thuế, chính sách đầu tư kinh doanh như vẫn làm từ trước đến nay đã và đang không còn nhiều sức hút đối với các nhà đầu tư. Các địa phương tại Việt Nam đang phải cạnh tranh với nhau và với cả các quốc gia lân cận trong hoạt động này. Chính vì vậy, nếu như tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và các địa phương tại Việt Nam nói chung không tạo ra cho mình những lợi thế cạnh tranh riêng biệt hoặc tạo ra những ưu thế vượt trội hỗ trợ mạnh mẽ các nhà đầu tư thì cơ hội sẽ ngày càng bị hạn chế. Cũng theo nghiên cứu của mình, PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh đã gợi mở cho Ban Lãnh đạo và các cơ quan hữu quan tại hội nghị bốn điểm có thể thực hiện ngay để giải quyết vấn đề.
Thứ nhất, cần đẩy mạnh đào tạo cho các cơ quan hành chính cấp tỉnh cùng hướng, tiệm cận với tư duy của doanh nghiệp, của các nhà đầu tư. Việc phát triển thành phố thông minh có các dịch vụ công đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dẫn là cần thiết, và là một hướng đi đúng đắn trong bối cảnh các ứng dụng của cuộc CMCN lần thứ 4 đang ngày càng tới gần và hỗ trợ tốt hơn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động cho con người. Tuy nhiên, sẽ không thể có thành phố thông minh hiệu quả nếu như chưa có những con người thông minh vận hành thành phố đó. Theo PGS. TS. Minh, sự thông minh ở đây cần tập trung tới tư duy và năng lực của cán bộ các cấp trong bộ máy quản trị hành chính của tỉnh, đáp ứng các yêu cầu phát triển phù hợp với thực tế phát triển của các doanh nghiệp.
Thứ hai, cần thiết phải tạo ra môi trường đào tạo mới để phát triển nguồn nhân lực của địa phương đáp ứng các yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp tới kinh doanh tại Vĩnh Phúc. Như rất nhiều các thông tin truyền thông đã đưa tin thời gian gần đây, một trong những khó khăn nhất của các doanh nghiệp FDI, DDI khi phát triển kinh doanh tại Việt Nam chính là không tìm được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, tỉnh Vĩnh Phúc cần có những giải pháp hiệu quả trong việc đào tạo, bồi dưỡng người lao động tại địa phương, làm nền tảng phát triển cho các doanh nghiệp khi tới đầu tư tại tỉnh. Việc đào tạo này cần được xem xét như một hoạt động thiết yếu và tiên quyết, đảm bảo tính bền vững không chỉ cho các doanh nghiệp tại tỉnh mà còn cả các hoạt động phát triển khác.
Thứ ba, với thế mạnh là một trong những tỉnh tiên phong trong việc thu hút đầu tư FDI, Vĩnh Phúc hiện đang có rất nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất chế tạo nằm trên địa bàn, có thể kể đến như Toyota, Honda, Piaggio, Ford, … Tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp này hầu hết mới chỉ thực hiện các hoạt động lắp ráp, hàm lượng công nghệ và năng lực chuyển giao công nghệ tới các doanh nghiệp nội địa chưa cao. Chính vì vậy, các nhà Lãnh đạo bên cạnh việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển tại tỉnh cần có những cơ chế chính sách phù hợp, các điều kiện về cơ sở vật chất, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) tại các KCN. Vĩnh Phúc cần tiên phong đi đầu trong việc hình thành trung tâm R&D phát triển các giải pháp công nghệ cho ngành chế tạo.
Thứ tư, từ lời giới thiệu của đồng chí chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Trì, có thể nhận thấy tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã và đang là điểm đến yêu thích của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Đó là minh chứng rõ ràng cho thấy tiềm năng thu hút các doanh nghiệp nội địa tới Vĩnh Phúc là vô cùng lớn. Các doanh nghiệp FDI có đặc điểm có vốn đầu tư lớn, tuy nhiên cũng có các rào cản về ngôn ngữ, văn hóa khác mà các doanh nghiệp nội địa có nhiều lợi thế hơn. Mặt khác, việc có nhiều các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nội địa phát triển trên địa bàn làm các doanh nghiệp vệ tinh, nằm trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI cũng tạo ra một sức hút vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài này. Chính vì vậy, bên cạnh việc thu hút đầu tư FDI, thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển cũng là một việc cần nhận được sự quan tâm không kém.
Bằng những đúc kết trong quá trình đào tạo, tư vấn cho hàng ngàn doanh nghiệp tại Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam) trong việc áp dụng Hệ thống Quản trị Tinh gọn Made in Vietnam để nâng cao năng suất và phát triển bền vững suốt hơn 8 năm qua, Viện Quản trị Tinh Gọn GKM cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục đồng hành để triển khai áp dụng các giải pháp quản trị hiệu quả, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ công, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế tỉnh nhà theo chiều sâu, đáp ứng được yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế
Theo GKM, 11.2019.